Các giải pháp nhị nguyên cho vấn đề tâm-vật Triết_học_tinh_thần

Nhị nguyên luận trong triết học tinh thần là một tập hợp những quan điểm về mối liên hệ giữa tinh thần với vật chất (hay thể xác). Nó bắt đầu với khẳng định rằng các hiện tượng tinh thần, ở một vài khía cạnh nào đó, là phi vật chất[9]. Một trong những hình thức sớm nhất của nhị nguyên tâm-vật được thể hiện trong các trường phái triết học Ấn Độ như SankhyaYoga từ khoảng 650 TCN, chúng chia thế giới thành purusha (tinh thần) và prakriti (vật chất)[7]. Đặc biệt, những bài kinh (sutra) của Raja Yoga thể hiện cách tiếp cận có tính phân tích đối với bản chất của tinh thần.

Trong triết học phương Tây, những thảo luận sớm nhất về tư tưởng nhị nguyên là trong các bài viết của PlatonAristoteles. Chúng khẳng định, nhưng với những lập luận khác nhau, rằng "trí tuệ" (một năng lực của tinh thần hay tâm linh) của con người không thể được xác định với, hay giải thích theo, thể xác của họ (trong thời Hy Lạp, cơ quan đó là trái tim)[3][4]. Tuy nhiên, phiên bản được biết đến nhiều nhất của nhị nguyên luận thuộc về René Descartes (1641), cho rằng tinh thần là một thực thể không giãn nở, phi vật chất, một "thực thể tinh thần" (res cogitans)[8]. Descartes là người đầu tiên xác định rõ tinh thần với ý thứcnhận thức, tách biệt điều này khỏi bộ não, nơi chứa đựng trí tuệ. Do đó ông là người đầu tiên thiết lập một cách hệ thống vấn đề tâm-vật theo dạng mà nó vẫn tồn tại tới ngày nay[8].

Các lập luận của nhị nguyên luận

Lập luận được sử dụng thường xuyên nhất của nhị nguyên luận là dễ thấy bằng trực giác thông thường rằng những kinh nghiệm nhận thức khác với vật chất vô sinh. Nếu được hỏi tinh thần là gì, người ta thông thường trả lời bằng các đồng nhất nó với cái tôi của riêng họ, cá tính của họ, linh hồn của họ, hoặc một thứ gì đó đại loại như vậy. Họ gần như chắc chắn phủ nhận rằng tinh thần đơn giản chính là bộ não, hoặc trái lại, thấy ý tưởng cho rằng chỉ một thực thể bản thể học thôi là quá cơ giới, hay đơn giản là không thể hiểu được[9]. Nhiều nhà triết học tinh thần hiện đại nghĩ rằng những trực giác này là lừa mị và rằng chúng ta nên sử dụng những năng lực phê phán của chúng ta, thông qua những bằng chứng thực nghiệm từ khoa học, để kiểm tra những giả thuyết này để xác định liệu có bất cứ cơ sở thực tiễn nào cho chúng[9].

Một lập luận quan trọng khác là các đặc tính tinh thần và vật chất dường như là hoàn toàn khác biệt, và dường như không thể hòa hợp[25]. Các sự kiện tinh thần có một phẩm chất chủ quan, trong khi các sự kiện vật chất thì không. Vì thế, chẳng hạn người ta có thể hỏi có nghĩa về cảm giác một ngón tay bị bỏng như thế nào, hay một bầu trời xanh trông thế nào, hay một bản nhạc hay như thế nào. Nhưng là câu hỏi vô nghĩa, hay ít nhất là kỳ cục, khi hỏi sự dâng lên trong ống glutamate ở phần nối với tủy sống của thùy hải mã (hippocampus) trên não thấy thế nào.

Các nhà triết học tinh thần gọi khía cạnh chủ quan của các sự kiện tinh thần là "qualia" (tức cảm thụ tính), hay "cảm giác thô"[25][26]. Đó là cái gì đó giống như cảm giác đau đớn, haygiống như nhìn thấy một sắc thái xanh quen thuộc v.v.. Có những cảm thụ tính tham dự vào những sự kiện tinh thần dường như đặc biệt khó để quy giản về bất cứ thứ gì có tính vật chất[27].

Nếu ý thức (tinh thần) có thể tồn tại độc lập với hiện thực vật chất (bộ não), người ta phải giải thích các ký ức thể chất được tạo ra liên quan tới nhận thức như thế nào. Nhị nguyên luận do đó phải giải thích làm thế nào ý thức ảnh hưởng tới hiện thực vật chất. Một cách giải thích khả dĩ cho rằng đó là một phép màu, được đề xuất bởi Arnold GeulincxNicolas Malebranche, nghĩa là mọi tương tác tinh thần-thể xác đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp của Thượng đế. Một lập trường tương tự của Albert Einstein cho rằng sự lĩnh hội tinh thần về những ấn tượng tri giác là một phép màu[28]. Một cách giải thích khác được C. S. Lewis[29] đưa ra là "Luận cứ từ Lý trí" (Argument from Reason): nếu mọi suy nghĩ của chúng ta là hệ quả của các căn nguyên thể xác như nhất nguyên luận ngụ ý, thì chúng ta không có lý do gì để giả định rằng chúng cũng là hệ quả của một nền tảng hữu lý. Vì thế, nếu nhất nguyên luận là đúng, không có cách nào để biết điều này - hay bất kì điều gì khác - chúng ta không thể giả định nó, ngoại trừ nhờ một may mắn.

Một lập luận khác, luận cứ thây ma sống (zombie argument) dựa trên một thí nghiệm tưởng tượng của Todd Moody, và phát triển bởi David Chalmers trong cuốn The Conscious Mind. Ý tưởng nền tảng là người ta có thể hình dung thể xác của một người, và do đó nhận thức sự tồn tại của cơ thể người này, không cần bất kì trạng thái ý thức nào được gắn với thể xác này. Lập luận của Chalmers là, dường như hợp lý để cho sinh vật như thế tồn tại vì tất cả những thứ cần thiết là tất cả và chỉ những thứ mà các khoa học vật lý mô tả về thây ma sống đó phải đúng về nó. Do không khái niệm nào trong các khoa học này dẫn chiếu tới ý thức hay những hiện tượng tinh thần khác, và bất kì thực thể vật chất nào có thể bằng định nghĩa được mô tả một cách khoa học thông qua vật lý, sự chuyển dời từ tính có thể hình dung được tới tính khả dĩ không phải là một bước chuyển lớn[30]. Những người khác như Dennett lập luận rằng ý niệm về một thây ma sống như thế là một quan niệm thiếu chặt chẽ[31], hoặc không thể[32]. Có thể lập luận theo chủ nghĩa duy vật lý là người ta phải tin rằng hoặc ai đó bao gồm cả chính họ có thể là một thây ma sống, hoặc rằng không ai có thể là một thây ma sống - kéo theo từ sự khẳng định rằng sự nhận thức của riêng một ai về việc là (hay không là) một thây ma sống là sản phẩm của thế giới vật chất và do đó không có gì khác với người khác cả. Lập luận này được diễn đạt bởi Dennett, người cho rằng "Các thây ma sống nghĩ rằng chúng có nhận thức; nghĩ rằng chúng có cảm thụ tính; nghĩ rằng chúng chịu đau đớn - chúng đơn giản là 'sai' (theo truyền thống đáng thương này), theo những cách mà chúng hay chúng ta không bao giờ có thể khám phá!" [31]

Nhị nguyên luận tương tác

Chân dung René Descartes bởi Frans Hals (1648)

Nhị nguyên luận tương tác (interactionist dualism), nói tắt là tương tác luận (interactionism), là một dạng đặc biệt của nhị nguyên luận đề xướng bởi Descartes trong cuốn Meditations ("Trầm tư")[8]. Ở thế kỉ 20, những người bảo vệ chính của nó là Karl PopperJohn Carew Eccles[33]. Đây là quan điểm cho rằng các trạng thái tinh thần, như niềm tin và ham muốn, tương tác nhân quả với các trạng thái vật chất[9].

Lập luận nổi tiếng của Descartes cho lập trường này có thể tóm tắt như sau: Seth có một ý tưởng rõ ràng và riêng biệt về tinh thần anh ta như một thứ biết suy nghĩ không có sự giãn nở không gian nào (có nghĩa là, không thể đo được theo các đại lượng như chiều dài, chiều cao, cân nặng,...). Anh ấy cũng có một ý tưởng rõ ràng và riêng biệt về thể xác anh ta như một thứ giãn nở không gian, đối tượng của những phép đo và không thể suy nghĩ. Suy ra tinh thần và thể xác không đồng nhất bởi chúng có những thuộc tính căn bản khác nhau[8].

Tuy nhiên, rõ ràng là cùng lúc đó các trạng thái tinh thần của Seth (ham muốn, niềm tin, vân vân) có những tác động nhân quả lên thể xác anh ta và ngược lại: một đứa trẻ sờ vào một lò nóng (sự kiện thể xác) có thể gây ra đau đớn (sự kiện tinh thần) và khiến nó hét lên (sự kiện thể xác), điều này đến lượt mình gây nên cảm giác sợ hãi và sự quan tâm ở người trông trẻ (sự kiện tinh thần), và vân vân.

Lập luận của Descartes phụ thuộc căn bản vào tiền đề rằng những gì mà Seth tin rằng đó là những ý tưởng "rõ ràng và riêng biệt" trong tinh thần anh ấy nhất thiết đúng. Nhiều triết gia đương đại nghi ngờ điều này[34][35][36]. Chẳng hạn, Joseph Agassi đề xuất rằng một vài khám phá khoa học thực hiện từ đầu thế kỉ 20 đã xói mòn ý tưởng về sự truy cập đặc quyền vào tư tưởng của chính mình. Freud đã chỉ ra rằng một người quan sát được huấn luyện về tâm lý học có thể hiểu các động lực vô thức của một người nào đó hơn chính bản thân anh ta. Duhem thì cho thấy rằng một triết gia khoa học có thể biết các phương pháp khám phá của một cá nhân tốt hơn chính cá nhân đó làm, trong khi Malinowski chứng minh rằng một nhà nhân loại học có thể biết về các phong tục và thói quen của một người tốt hơn chính người đó. Ông cũng khẳng định rằng các thí nghiệm tâm lý học hiện đại khiến con người nhìn thấy những thứ không có ở đó (ảo giác) cung cấp cơ sở cho việc từ chối lập luận của Descartes[37][38]. Điểm yếu chung cho tất cả những lập luận chống lại tương tác luận là chúng đặt toàn bộ sự thấu hiểu nội tâm vào nghi vấn. Chúng ta biết rằng con người nhầm lẫn về thế giới (bao gồm cả các trạng thái nội tâm của những người khác), nhưng không phải luôn như vậy. Do đó là vô lý về mặt logic để giả thiết rằng các cá nhân luôn luôn sai về các trạng thái tinh thần và về các nhận định về chính bản chất của tinh thần.

Các dạng nhị nguyên luận khác

Bốn biến thể của nhị nguyên luận: nhị nguyên luận tương tác, thuyết hiện tượng phụ, thuyết song song tâm vật, và chủ nghĩa duy vật lý không quy giản. Các mũi tên chỉ ra hướng tương tác nhân quả. Thuyết ngẫu nhiên không được chỉ trong hình.

Thuyết song song tâm vật

Thuyết song song tâm vật (Psychophysical parallelism), nói tắt là thuyết song song, là quan điểm cho rằng tinh thần và thể xác, trong khi có những trạng thái bản thể riêng biệt, không ảnh hưởng nhân quả lên nhau. Thay vì thế, chúng vận hành theo những con đường song song (các sự kiện tinh thần tương tác nhân quả với các sự kiện tinh thần và các sự kiện não bộ tương tác nhân quả với các sự kiện não bộ) và chỉ có vẻ như ảnh hưởng tới nhau[39]. Quan điểm này được bảo vệ nhiệt liệt bởi Gottfried Leibniz. Mặc dù Leibniz là một nhà nhất nguyên luận bản thể tin rằng chỉ có một loại thực thể, là đơn tử (monad), tồn tại trong vũ trụ, và rằng mọi thứ có thể quy giản về nó, tuy nhiên ông khẳng định rằng có sự khác biệt quan trọng giữa "tinh thần" và "vật chất" theo nghĩa nhân quả. Ông tin rằng Thượng đế đã sắp xếp mọi sự vật từ trước để cho cái tâm linh và cái thể xác hài hòa với nhau. Điều này được biết đến như tín điều về hài hòa tiền định[40].

Thuyết ngẫu nhiên

Thuyết ngẫu nhiên (occasionalism) là quan điểm khởi xướng bởi Nicholas Malebranche, khẳng định rằng tất cả các mối quan hệ được cho là nhân quả giữa các hiện tượng vật lý với nhau, hay giữa các hiện tượng vật lý với các hiện tượng tinh thần, thực ra không hề có tính nhân quả chút nào. Trong khi thể xác và tinh thần là những thực thể khác nhau, các nguyên nhân (bất kể tinh thần hay thể xác) liên hệ với những hệ quả của nó bởi hành động can thiệp của Thượng đế trong mỗi thời điểm cụ thể[41].

Nhị nguyên luận đặc tính

Nhị nguyên luận đặc tính (property dualism) là quan điểm rằng thế giới cấu tạo từ chỉ một loại thực thể - là loại vật chất - và tồn tại hai loại thuộc tính khác biệt: những đặc tính vật chất và những đặc tính tinh thần. Nói cách khác, đó là quan điểm cho rằng các đặc tính tinh thần, phi vật chất (như niềm tin, cảm xúc) vốn có trong một số đối tượng vật chất (ít nhất là não). Các đặc tính tinh thần và vật chất liên hệ nhân quả với nhau như thế nào phụ thuộc vào từng biến thể của nhị nguyên luận đặc tính, và không luôn luôn là một vấn đề rõ ràng. Các nhánh nhỏ thuộc nhị nguyên luận đặc tính bao gồm:

  1. Thuyết đột sinh mạnh (strong emergentism) khẳng định rằng khi vật chất được tổ chức theo những cách thức thích hợp (chẳng hạn theo cách mà những cơ thể sống của con người được tổ chức), các đặc tính tinh thần đột sinh theo một cách không thể giải thích bằng các quy luật vật lý. Do đó, đây là một dạng của chủ nghĩa duy vật đột sinh[9]. Những đặc tính đột sinh này có một trạng thái bản thể độc lập và không thể quy giản về, hay giải thích theo, nền tảng vật chất mà từ đó nó xuất hiện. Chúng phụ thuộc vào các đặc tính vật chất mà từ đó chúng sinh ra, nhưng các quan điểm lại bất đồng ở điểm liên quan tới tính cố kết của quan hệ nhân quả trên-dưới, nghĩa là tính ảnh hưởng nhân quả của các đặc tính này. Một dạng nhị nguyên luận đặc tính được David Chalmers cổ vũ và quan niệm này, vốn được hình thành từ thế kỷ 19 bởi William James, đã trải qua những đổi mới nhất định trong những năm gần đây[42].
  2. Thuyết hiện tượng phụ (epiphenomenalism) là một học thuyết lần đầu tiên được Thomas Henry Huxley[43] phát biểu. Nó hàm chứa quan điểm rằng các hiện tượng tinh thần là bất lực về mặt nhân quả, theo đó một hay nhiều trạng thái tinh thần không có bất kì ảnh hưởng nào lên các trạng thái vật chất. Các sự kiện vật chất có thể gây ra những sự kiện vật chất khác cũng như gây ra các sự kiện tinh thần, nhưng các sự kiện tinh thần không thể gây ra bất cứ sự kiện gì, bởi vì chúng chỉ là những phụ phẩm trơ về mặt nhân quả (nghĩa là hiện tượng phụ - epiphenomena) của thế giới vật chất[39]. Quan điểm này được bảo vệ mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây bởi Frank Jackson[44].
  3. Chủ nghĩa duy vật lý phi quy giản (non-reductive physicalism) là quan điểm cho rằng các đặc tính tinh thần tạo nên một lớp bản thể tách biệt đối với các đặc tính vật chất: các trạng thái tinh thần (như cảm thụ tính) không thể quy giản về các trạng thái thể xác. Quan điểm bản thể đối với cảm thụ tính trong trường hợp chủ nghĩa duy vật lý phi quy giản không hàm ý rằng cảm thụ tính là trơ về mặt nhân quả; đây là điểm phân biệt nó với thuyết hiện tượng phụ.
  4. Toàn tâm luận (panpsychism) là quan điểm cho rằng tất cả vật chất đều có khía cạnh tinh thần, hay nói cách khác, tất cả các đối tượng đều có một trung tâm kinh nghiệm hay quan điểm thống nhất. Bề ngoài, nó dường như là một dạng của nhị nguyên luận đặc tính, vì nó coi mọi thứ có cả những đặc tính tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, một số nhà toàn tâm luận nói rằng hành vi cơ học sinh ra từ tính tinh thần nguyên thủy của nguyên tử và phân tử — cũng như tính tinh thần phức tạp và hành vi hữu cơ, sự khác biệt được gán cho sự hiện diện hay sự thiếu vắng của cấu trúc phức hợp trong một đối tượng phức hợp. Chừng nào mà sự quy giản các đặc tính phi tinh thần thành những đặc tính tinh thần còn có chỗ thì toàn tâm luận không phải là một dạng (mạnh) của nhị nguyên luận đặc tính; còn khác đi thì nó chính là như vậy.

Lý thuyết khía cạnh kép

Lý thuyết khía cạnh kép là quan điểm cho rằng tinh thần và vật chất là hai khía cạnh, hay phương diện, về cùng một thực thể (do đó nó có một lập trường pha trộn, nó là nhất nguyên ở một vài khía cạnh khác). Mối quan hệ giữa lý thuyết này với nhất nguyên luận trung tính khó xác định, nhưng có người cho rằng sự khác biệt là trong khi nhất nguyên luận trung tính cho phép bối cảnh của một nhóm gồm những yếu tố trung tính cho trước xác định nhóm là thuộc về tinh thần, vật chất hay cả hai, hoặc không cái nào, thì lý thuyết khía cạnh kép đòi hỏi tính tinh thần và tính vật chất là không thể chia tách và cái này không thể quy giản về cái kia (dù khác biệt)[45].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Triết_học_tinh_thần http://ditext.com/feigl/mp/mp.html http://www.informationphilosopher.com/books/scanda... http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11098-... http://adsabs.harvard.edu/abs/1936FrInJ.221..349E http://plato.stanford.edu/archives/fall2003/entrie... http://plato.stanford.edu/archives/fall2008/entrie... http://plato.stanford.edu/archives/sum2002/entries... http://plato.stanford.edu/archives/sum2002/entries... http://plato.stanford.edu/archives/win2005/entries... http://plato.stanford.edu/entries/neutral-monism/#...